Trong khi hầu hết mọi người đang ăn mừng ngày Tết Trung thu, tết đoàn viên, chúng tôi vô cùng đau buồn, phẫn nộ và kinh ngạc khi biết được thảm kịch này thông qua các phương tiện truyền thông: một công nhân nhập cư Việt Nam mang họ Thái trong lúc đang làm việc trong một công xưởng tái chế đã bị máy nghiền nghiền nát.

Môi trường lao động của những người lao động nhập cư thường là những ngành công nghiệp vừa bẩn, vừa nguy hiểm và khó khăn. Họ đã dùng những năm tháng hoàng kim của cuộc đời mình để cống hiến cho Đài Loan, nhưng lại vì môi trường lao động không an toàn mà chịu nguy cơ cao bị tai nạn lao động. Trong đó, việc bị gãy tay, gãy chân về nước là rất phổ biến. Người lao động nhập cư Việt Nam này lại còn bị nghiền nát, thậm chí đến tận khi nhà máy điểm danh mới phát hiện ra thiếu mất một người.[1]

Đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được người bị hại, nhưng thông qua tin tức chúng tôi được biết, cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đã liên hệ với gia đình nạn nhân tại Việt Nam thông qua môi giới. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đây chính là bước đầu tiên để biến “chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”.

Những loại tin tức như vậy thực ra khiến  chúng tôi vô cùng lo lắng.

Mấy chục năm gần đây, các trường hợp thảm họa nghề nghiệp liên quan đến lao động nhập cư, đặc biệt là các trường hợp nghiêm trọng, được báo đài đưa tin, thì phản hồi tiêu chuẩn của chính phủ là: “Đã nhờ đại sứ quán nước liên quan và môi giới liên lạc với gia đình người bị nạn”. Một vài ngày sau đó, sẽ có một mẩu tin khác đưa lên rằng “Chủ lao động đã thoả thuận hoà giải với gia đình”, và vụ án trong mắt công chúng đã “thuận lợi hạ màn”, dường như chuyện này đã hình thành một kịch bản định sẵn.

        Tuy nhiên, điều chúng ta cần đặt câu hỏi là: người bị nạn rốt cục đã trải qua những gì trong quá trình từ khi xảy ra tai nạn lao động đến khi hòa giải? Gia đình nạn nhân sẽ gặp phải những khó khăn gì? Chính xác thì điều gì đã xảy ra với cả hệ thống? Điều gì làm cho “hòa giải” trở thành câu trả lời dễ dàng như vậy? Và sau đó chúng ta lại thấy sự việc đó xảy ra, lại một lần nữa nhận được câu trả lời giống hệt từ chính phủ?

Khó khăn thứ 1: mở rộng điều tra + khó thu thập bằng chứng

Sau vụ tai nạn lao động, bất luận là gãy một cái tay hay một cái chân, thậm chí là mất mạng, thì lớp câu hỏi đầu tiên người lao động nhập cư phải đối mặt là: Tại sao những người khác không bị? Chỉ có mình bạn bị tai nạn lao động thôi à? Có phải tự do bạn không cẩn thận? Rồi tất cả những cách giải thích bất lợi cho người lao động nối tiếp nhau mà đến, “không nghe lời”, “không làm việc nghiêm túc”, “nhậu nhẹt”, thậm chí cả “đời tư tình cảm” đều sẽ trở thành những câu nói định hình một “người lao động xấu”.

Mục đích của những cách giải thích này không chỉ nhằm bào chữa cho vụ kiện mà càng là bước đầu khiến ý định “đấu tranh cho quyền lợi của chính mình sau tai nạn lao động” của  “bản thân người bị nạn” hay “gia đình họ” bị lung lay. Ngoài ra, từ lâu nay, chính phủ chưa bao giờ giáo dục người lao động nhập cư về luật liên quan và kiến ​​thức họ cần phải có trong trường hợp xảy ra tai nạn lao động, dẫn đến người lao động nhập cư có thể dễ dàng có ý nghĩ “Tôi cũng có lỗi, vì thế tôi nên hoà giải với chủ càng sớm càng tốt”.

Ngay cả khi một số ít người lao động nhập cư nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ và hiểu rằng họ phải đấu tranh vì quyền lợi của mình sau tai nạn lao động, thì họ vẫn phải đối mặt với tình huống khó xử: Làm thế nào để chứng minh rằng mình không có lỗi? Hoặc làm thế nào để tích cực hơn trong việc đi chứng minh lỗi của chủ ở đâu? Khi tất cả camera giám sát nằm trong tay chủ biến thành màn hình đen; khi thảm hoạ lao động xảy ra xong, các biện pháp an toàn lao động vốn bị tắt bất hợp pháp nay lại ngay lập tức ngấm ngầm được bật lên; khi trưởng nhóm cùng quốc tịch bị đe dọa, “Nếu bạn nói ra công ty có vấn đề, bạn là trưởng nhóm thì bạn cũng phải chịu trách nhiệm.” nên không dám làm chứng… Khi tất cả những khó khăn này được hợp lý hóa là “chuyện đương nhiên”, “chính bạn là người phải đàm phán với chủ”, thử hỏi rốt cục một người lao động nhập cư thân cô thế cô, không biết ngoại ngữ phải làm sao mới đòi được bồi thường hợp lý? Làm thế nào mới không dễ bị “ép hòa giải”?

Khó khăn thứ 2: Trung gian + Văn phòng đối ngoại

Thứ hai, khác với những người lao động bản địa bị tai nạn nghề nghiệp, giữa chủ và người lao động nhập cư còn tồn tại một nhân vật có ảnh hưởng cực lớn, đó chính là môi giới.

Về lý thuyết, người lao động nhập cư phải trả “phí dịch vụ” hàng tháng cho môi giới thì môi giới đáng ra phải phục vụ người lao động nhập cư. Tuy nhiên, dưới hệ thống biến dạng của Đài Loan, do người chủ nắm trong tay “chỉ tiêu” thuê lao động nhập cư, chỉ khi có chỉ tiêu, mới có thể giới thiệu lao động nhập cư và chỉ khi giới thiệu được lao động nhập cư thì môi giới mới có thể kiếm được phí môi giới và phí dịch vụ. Vì vậy, để giành chỉ tiêu, môi giới chỉ có thể làm mọi cách để làm hài lòng chủ lao động, bao gồm dịch thuật, xử lý hồ sơ, đưa lao động đi khám bệnh,… Môi giới luôn miệng nói “Chúng tôi có hàng trăm hàng nghìn loại dịch vụ”. , nhưng thực ra, những dịch vụ này chỉ giải quyết cho “nhu cầu của chủ lao động”, chứ không phải là “phục vụ lao động nhập cư”.

Chưa kể, khi tranh chấp giữa chủ và lao động xảy ra, một khi đã phải họp ở Cục lao động, chúng tôi chưa bao giờ thấy một môi giới nào lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người lao động nhập cư, môi giới mãi mãi ngồi cùng hàng với chủ, thậm chí trực tiếp thay mặt chủ tới phiên họp, giúp chủ biến “chuyện to thành nhỏ, chuyện nhỏ thành không”.

Theo cơ cấu như vậy, khi xảy ra các vụ “tai nạn lao động” có tranh chấp lớn hơn về bồi thường và quyền lợi, có thể thấy môi giới không những không tích cực đấu tranh giành quyền lợi tốt nhất cho người lao động nhập cư mà thậm chí nhiều môi giới vô lương tâm ngược lại còn thay chủ che đậy sự thật phạm pháp, hoặc ngấm ngầm thay chủ thông qua môi giới ở nước người lao động để gây áp lực lên người lao động hoặc gia đình của họ, cung cấp thông tin sai lệch, dùng mọi viện pháp mềm dẻo và cứng rắn buộc người lao động phải lựa chọn hòa giải.

Khi văn phòng đại diện chính phủ nước người lao động tại Đài Loan gặp phải một trường hợp tai nạn nghề nghiệp lớn, họ cũng không hoàn toàn giúp đỡ trên lập trường của người lao động nhập cư, mà đa số lại giữ tâm thái “chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không”, thậm chí còn bôi nhọ NGO là “toàn gây rắc rối”, cản trở sự giúp đỡ của NGO trong vụ án.[2]

“Môi giới” và “Văn phòng đại diện tại nước sở tại” có thể là hai đơn vị gần gũi nhất với lao động nhập cư. Dù sao thì ít nhất họ cũng biết tiếng của lao động nhập cư. Tuy nhiên, khi có xung đột lợi ích với chủ lao động, hai đơn vị này lại là tác nhân khiến người lao động nhập cư từ bỏ việc giành quyền lợi, từ bỏ kiện tụng, chọn hoà giải thậm chí là chọn về nước.

Khó khăn thứ 3: Bất đồng ngôn ngữ + sự bất lực của chính phủ

Thứ ba, “ngôn ngữ” là yếu tố chính khiến lao động nhập cư càng yếu thế hơn so với lao động bản địa, và yếu tố này trực tiếp chỉ ra “sự bất lực của chính phủ”.

Khi người lao động nhập cư hoặc người nhà của họ muốn tự mình lo việc thanh toán bảo hiểm lao động thì thấy tất cả giấy tờ chỉ có tiếng Trung, muốn tự mình đăng ký kiểm tra lao động thì phát hiện người thanh tra lao động nhờ môi giới đến phiên dịch giúp; muốn biết liệu công ty có vi phạm pháp luật hay không, ngay cả người dân địa phương cũng không biết làm thế nào để kiểm tra chứ đừng nói đến không hề có thông tin công khai bằng nhiều thứ tiếng. Chưa kể đến việc liệu các phiên dịch viên tư pháp của Đài Loan có hỗ trợ đúng mực cho người lao động nhập cư trong các vụ kiện tiếp theo hay không. Những khó khăn liên quan tới ngôn ngữ này, Chính phủ Đài Loan vĩ đại của chúng tôi chỉ phản hồi một câu: “Chính phủ sẽ giám sát môi giới làm việc, nếu lao động nhập cư có vấn đề khúc mắc có thể gọi 1955″.

Khi tất cả các nguồn lực của chính phủ làm việc với môi giới, chính phủ chọn cách “chủ động” né tránh đẩy “trách nhiệm cho môi giới”, đồng thời chọn cách “thụ động” chờ người lao động gọi 1955 kháng cáo – thậm chí kháng cáo xong cũng không chắc sẽ có tác dụng. Thế thì tất cả những nguồn lực liên quan đến tai nạn nghề nghiệp “được công khai”của chính phủ cũng chỉ để dùng làm bia đỡ đạn khi gặp phải các vụ án này mà thôi. Vào đầu năm nay, Viện kiểm sát đã tổ chức một cuộc họp báo và chỉ ra rằng, trong 10 năm qua, ngân sách trợ cấp tai nạn lao động mà những người lao động nhập cư lẽ ra phải được nhận nhưng chưa nhận được lên tới 40 000 000 Đài tệ. Đến cả quyền lợi bảo hiểm theo luật định, dưới tình trạng Chính phủ Đài Loan không thể hỗ trợ lao động nhập cư bị tai nạn nghề nghiệp xin, nhiều người lao động nhập cư bị tai nạn nghề nghiệp cũng không thể nhận được nguồn lực hỗ trợ và cuối cùng buộc phải lựa chọn hòa giải, đây không còn là điều xa lạ.

Khi “hòa giải” trở thành một hình mẫu

Các quan sát và phân tích trên đây dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi trong việc tiếp xúc và xử lý các trường hợp tai nạn nghề nghiệp của người lao động nhập cư, nhưng chúng tôi không hoàn toàn kết tội “Tất cả những sự hoà giải sau vụ tai nạn nghề nghiệp của người lao động nhập cư đều là kết quả của việc người lao động bị buộc phải từ bỏ đấu tranh vì quyền lợi của mình. ”. Điều chúng tôi muốn chỉ ra là:

Thứ nhất, giữa rất nhiều khó khăn kể trên, ngay cả những vụ tai nạn công nghiệp lớn, thu hút sự chú ý của công chúng, bao gồm cả vụ Sikar, vụ Jingpeng, vụ Huagushui của Dingyuan điện quang, và vụ Byron của công xưởng sắt Sanyong, với sự can thiệp của các tổ chức phi chính phủ (NGO), quá trình đấu tranh giành quyền lợi đều gặp nhiều bước khó khăn như vậy, thậm chí có nhiều người lao động nhập cư cuối cùng đã chọn cách từ bỏ. Chưa nói đến rốt cục còn bao nhiêu trường hợp không được xã hội chú ý, bao nhiêu người lao động nhập cư đã bị xem như đĩa dùng một lần mà ném về nước?

Thứ hai, những trường hợp đã bỏ qua quá trình thảo luận những chi tiết quan trọng  và đi thẳng đến “hòa giải hạ màn”, cuối cùng đều trở thành những “vụ án đặc biệt” theo lời chính phủ. Từ đó thành ra, xã hội không thể nào bắt đầu các cuộc thảo luận và thay đổi liên quan đến “môi trường làm việc có mức độ rủi ro và tai nạn nghề nghiệp cao của người lao động nhập cư” và cũng không thể thúc đẩy hỗ trợ cho người lao động nhập cư gặp tai nạn nghề nghiệp và gia đình của họ trong hành trình dài tìm kiếm sự bồi thường. Các vụ án lần lượt hoà giải, ngược lại còn tạo nên khó khăn “không thể giải quyết” cho cả tập thể.

Thứ ba, “hòa giải” cũng đã trở thành một mô hình tiêu cực: sau khi một tai nạn xảy ra, suy nghĩ đầu tiên của chủ là yêu cầu môi giới khiến sự việc hạ màn, kết thúc “càng sớm càng tốt”. Để “nhanh gọn” thì kiện tụng rõ ràng là mất thời gian, hòa giải đã trở thành một “cái ác cần thiết”, đồng thời, để tránh lao động nhập cư đâm đơn kiện, buộc họ phải về nước trở thành cách an toàn nhất. Những hình mẫu tiêu cực này hình thành nên những khái niệm “môi giới tốt”, “biết cách đối phó”, trong mắt chủ, từ đó góp phần làm xấu đi toàn bộ môi trường việc làm với rủi ro tai nạn lao động cao: “Nếu tôi chỉ cần bỏ 100.000 Đài tệ để hoà giải với người lao động gặp tai nạn nghề nghiệp thì sao tôi lại phải bỏ ra tận 1 000 000 để cải thiện môi trường lao động an toàn trong nhà máy?”

Chính phủ vung tiền để mua danh? Chủ lao động bồi thường tiền cho xong chuyện?

Hiện tại, chúng tôi được biết Cục lao động của chính quyền huyện Zhanghua (cơ quan có thẩm quyền tại địa phương) đã đình chỉ nhà máy hoạt động và phạt 30.000 đến 300.000 Đài tệ. Chính quyền huyện Zhanghua, mới thành lập “Liên minh an toàn lao động” vào tháng 5 năm nay, đối mặt với một vụ tai nạn về an toàn lao động nghiêm trọng như vậy, tất cả những gì làm được chỉ là phạt người chủ một số tiền nhỏ? Từ Bộ Lao động đến Sở Lao động huyện Zhanghua, rốt cục đã làm được gì để phòng tránh tai nạn lao động? Chi tiền cho bảng thông cáo, tổ chức họp báo — vung tiền để mua danh tiếng, nhưng thực sự có mang lại cho người lao động sự đảm bảo an toàn nào không? Để xảy ra thảm án lớn như vậy, chính quyền địa phương đã không có bất kì sự lơ là bổn phận hay sự thiếu trách nhiệm nào trong việc điều tra, ngăn chặn hay sao?

Bộ Lao động đã trả lời báo cáo của Viện Giám sát rằng, Bộ Lao động có sự giám sát đặc biệt đối với “các đơn vị kinh doanh có rủi ro cao”. Chúng ta phải đặt câu hỏi, Bộ Lao động đã giám sát những gì ở đơn vị kinh doanh tái chế có rủi ro cao trong trường hợp này? Có gì đặc biệt? Có thông tin bằng nhiều ngôn ngữ nào thông báo cho lao động nhập cư có “nguy cơ cao” không? Bộ Lao động không có chút trách nhiệm nào về vụ tai nạn lao động lớn này sao?

Ngoài ra, để cắt giảm chi phí, bỏ qua sự an toàn của người lao động, trách nhiệm duy nhất sau sự cố của người chủ chỉ là “đền tiền” sao? Mặc dù người lao động có thể khiếu nại hình sự đối với người chủ vì “thương tích nặng do lỗi nghiệp vụ”, nhưng rốt cuộc đây chỉ là một “đơn kiện”, lấy người lao động bất hạnh này làm ví dụ, ai sẽ thay anh ấy sang tận nước ngoài mà đệ đơn kiện đây? Vào tháng 5 năm nay, khi “Luật bảo vệ người lao động và Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp” được ban bố, Viện trưởng viện Hành chính Su Zhenchang nói rằng “Chính quyền Thái Anh Văn chăm sóc người lao động nhiều nhất”, thực tế là thông qua chủ lao động đóng bảo hiểm, tuyên bố rằng có thể cho chủ lao động giải quyết phát sinh tai nạn lao động chỉ với một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên, đối mặt với một sinh mạng bị nghiền nát – một sinh mạng đang sống cùng chúng ta trên mảnh đất này, liệu rằng Đài Loan, nơi “nhân quyền lập quốc”, đây là việc chỉ cần bỏ tiền ra là có thể xoá đi hay sao?


[1] Theo một báo cáo điều tra của Viện giám sát, trong ngành sản xuất “tỷ lệ 1.000 người tàn tật do tai nạn lao động” ở lao động nhập cư gấp đôi so với lao động Đài Loan. Theo thống kê của Bộ Lao động, hàng năm số lao động nước ngoài đăng ký bảo hiểm lao động và trợ cấp tai nạn lao động trên 1.500 người. Điều này có nghĩa là “cứ 2 giờ lại có 1 người bị tai nạn nghề nghiệp” và “cứ 2 ngày thì có 1,6 người lao động nhập cư bị tàn tật hoặc chết do tai nạn lao động”. Lấy ví dụ năm 2019, tổng số có 270 người tàn tật và chết. Nếu tính thêm các trường hợp không được báo cáo, con số này chắc chắn sẽ vượt quá 300 — Đây không chỉ là sự mô tả trừu tượng “300 lao động nhập cư bị tàn tật hoặc chết do tai nạn lao động trong một năm.” mà là một sự kiện đẫm máu về một người sống bị máy cắt đứt tay, bị máy nghiền mất đầu, mà một năm đã phát sinh gần 300 vụ. https://reurl.cc/KQOgLn

[2] Sau khi xảy ra vụ án này, gia đình lập tức bị môi giới cảnh cáo “tuyệt đối không được tìm tổ chức phi chính phủ Đài Loan”, tuy nhiên, giấy ủy quyền mà môi giới đã đưa cho bố mẹ người quá cố ký tên, những hạng mục được uỷ quyền trừ việc xử lý thi thể, bảo hiểm lao động, bao gồm tất cả các vấn đề liên quan, thậm chí bao gồm cả việc hòa giải với chủ. Điều nghịch lý là người được uỷ quyền ngoài chị gái của người đã khuất còn có cả chủ lao động Ding Yuan, môi giới và đại sứ quán Philippines. Sau khi người nhà đến Đài Loan vào ngày 9/10, tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cùng đến đại sứ quán Philippines để lấy lại giấy ủy quyền, nhưng lại bị môi giới và đại sứ quán cho biết: chứng nhận chưa hoàn thành nên không thể trả lại bản chính, còn nói với người nhà rằng NGO lại đang phá rối cản trở việc đưa hài cốt của người quá cố về nước. Trong thời gian người nhà ở Đài Loan, khi người môi giới biết rằng NGO sẽ đưa người nhà đến nhà tang lễ để xem thi thể, môi giới còn nói với người nhà: “Không được phép đi với NGO; nếu không có môi giới đi cùng, người nhà sẽ bị kiện.”

Hiện tại, người nhà đã được môi giới và Đại sứ quán Philippines thông báo rằng hài cốt sẽ được về nước vào sáng sớm ngày 18 tháng 9. Công ty đồng ý nói chuyện với người nhà vào ngày 17 tháng 9, trên điều kiện là họ không được đi cùng với NGO. Nếu người nhà có luật sư được ủy thác thì có thể đi cùng nhưng không được mang theo phiên dịch riêng. Người nhà ở Đài Loan cũng liên tục được môi giới và Đại sứ quán Philippines thông báo rằng công ty đã nhận sai và chỉ cần hòa giải là sẽ ổn thỏa, 18/9 là hài cốt có thể về nước rồi, tốt nhất là hãy giải quyết mọi chuyện thuận lợi, để hài cốt có thể thuận lợi về nước, đừng để NGO phá rối. https://reurl.cc/Zblxql https://reurl.cc/Zblxql 

%d 位部落客按了讚: